Ad Code

Responsive Advertisement

CHÚT TÂM SỰ CÙNG GIUĐA

 

P/s: Gợi lại chút suy tư nhân đọc đề thi Văn - Kỳ thi Tuyển sinh Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê khóa XIX: "Hãy viết về ông Giuđa Iscariot trong Tân Ước?" Ai trong chúng ta cảm nghiệm được rằng: mình đã từng có những khoảnh khắc giống Giuđa?
-------------------------------
Giuđa, anh thân mến!
Dịp Tuần Thánh vừa qua, đang khi chìm vào suy tư, tôi bồi hồi chợt nhớ về đêm tối xa xăm. Sương mù phủ kín suối Kit rôn uốn khúc lượn lờ. Vườn cây dầu đột nhiên ồn ào bởi tiếng lao xao. Một cuộc bố ráp qui mô. Kỳ cục thay, tôi thấy anh lạnh lùng, hăm hở dẫn đầu ba quân vây bắt thầy mình...
Thế rồi, màn đêm âm u đã đẩy cao tấn bi kịch.
Mỉa mai thay, sự phản trắc che đậy bởi nụ hôn nồng nàn của tình thầy trò vào sinh ra tử: “Tôi hôn ai thì đó chính là Người, các anh bắt lấy” (Mt 26, 48). Cái bi đát là tình nghĩa hoen ố bởi cử chỉ âm yếm, thân mật nhất. Một nụ hôn đau hơn ngàn cái tát, nhục nhằn hơn dòng nước mắt, quặn thắt hơn vết thương sâu.
Và thước phim cứu độ tiếp tục được quay với những hình ảnh chóng vánh: Thầy Giêsu bị điệu ra trước tòa Công nghị, bị các thượng tế và hội đồng kết án. Tổng trấn Philatô của Rôma chuẩn y án tử hình thập ác. Thầy Giêsu đã nắm chắc cái chết. Đằng sau bản án oan khiên ấy có lỗi lầm không nhỏ của anh.
Giuđa ơi!
Anh đã lựa chọn lối đi dẫn về ngục tù hun hút. Anh đã đến ở lưng chừng và rồi cũng ra đi lưng chừng: Lưng chừng giữa niềm tin và thất vọng, giữa niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và đau thương…
Ai đó bảo rằng số phận anh đã được tiền định để đi đến chỗ tiêu vong. Điều này là một nan đề khó phân biệt đúng sai nên tôi không dám luận bàn.
Tuy nhiên, tôi cảm nhận mọi thứ với anh đã từng rất đẹp bên Thầy Giêsu, đúng không nhỉ? Anh đã rong ruổi theo Thầy ngay từ đầu, chia sẻ buồn vui, đói no, thành công hay thất bại. Không yêu sao có thể đi theo lâu đến vậy? Không mến sao có thể hy sinh như thế?
Nhưng điều gì đã diễn ra nơi trái tim khiến anh thay đổi khủng khiếp đến vậy? Tôi nghĩ rằng, việc ôn lại một vài biến cố quan trọng trong cuộc đời anh nhắc nhở tôi những bài học ý nghĩa về cuộc sống và tình yêu đời dâng hiến.
Thứ nhất, phải chăng anh là nạn nhân của nỗi cô độc ngay trong chính hành trình theo Chúa? Anh và Thầy Giêsu cùng các anh em đồng hữu có duyên gặp gỡ nhưng chẳng đủ nợ để chung đường.
Phải chăng con người anh đã nhiều lúc phải đối diện với những khoảng trống vô hồn và những bất an vô định, những tháng ngày mải miết đi trong khu vườn miên viễn rồi chết nghẹt vì mãi không tìm thấy lối ra? Trong thế giới nhỏ bé của anh bộn bề suy nghĩ khác với mọi người. Anh chìm trong mớ cảm xúc hỗn độn, quá nhiều lựa chọn khiến anh mắc kẹt giữa tuổi thanh xuân của chính mình.
Anh cảm thấy cô độc giữa đám đông huynh đệ chi binh. Dù quây quần bên Thầy, bên anh em mà anh vẫn thấy riêng mình “một trời tâm sự”. Đang cùng bạn bè vui đùa sau một ngày dài di chuyển mệt nhọc mà anh vẫn nhủ thầm rằng chẳng ai hiểu lòng ta đang canh cánh một nỗi lòng phục hưng xứ sở, đánh đuổi ngoại bang. Cô độc vì anh tự nhận mình là người Giuđêa duy nhất lọt thỏm giữa đám người Galilê xa lạ...
Thật tai hại, anh đã “lấp đầy” cô đơn bằng sự hiện diện của thế lực đen tối. Nói đúng hơn, Satan đã nhập vào anh (Ga 13, 27). Anh đã không thể đối phó với ông bạn kinh khủng ấy, không kịp chê chán gã ác thần như đã quay lưng với Thầy Giêsu và các bạn hữu.
Sự dữ nhanh chân chiếm giữ tâm hồn và làm anh khốn khổ. Sự việc này nói lên một điều rằng anh đã đánh mất bài học cảnh giác, để cho kẻ thù từng bước len lỏi vào hồn mình.
Kể từ đây, con người anh thêm hoang hoải, chẳng còn gì khác ngoài đôi chân mệt mỏi, đầu óc đầy dẫy toan tính và trái tim thiếu hẳn tình thương.
Thứ hai, tôi không biết anh “trở cờ” với Thầy lúc nào nhưng tôi thấy tâm hồn anh từ lâu đã bị hoen mờ bởi đồng tiền và cả sự tham lam, ích kỷ, biển lận tầm thường, buông chiều theo sự tự do.
Thần tài là một thứ ngẫu tượng hết sức quyến rũ. Thần tài chống lại Thiên Chúa vì nó tạo ra nơi con người một tinh thần khác, nó thay đổi mục đích của nhân đức đối thần. Kinh Thánh đã từng nói: “Lòng yêu mến tiền bạc là căn nguyên của mọi tội lỗi” (1Tm 6, 10).
Anh cũng vậy, anh đã để đồng tiền khuynh loát bản thân. Tính gian tham biểu lộ đặc biệt ở nhà ông Simon, khi người phụ nữ tội lỗi không được mời nhưng lại xông xáo vào nhà rồi đổ dầu thơm trên chân Thầy Giêsu, lấy tóc mà lau, làm cho cả nhà sực nức hương thơm. Trong cái vỏ bọc và bức bình phong hoàn hảo, anh mặc sức tô vẽ mọi thứ theo ý riêng của mình: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo” (Ga 12, 5).
Tin Mừng còn một lần nữa khắc họa sự dính bén vật chất của anh. Anh phải kiếm chác được một cái gì đó cho thỏa tính tham của mình: “Bây giờ, một trong nhóm Mười Hai, gọi là Giuđa Iscariôt, đến gặp các thủ lãnh, tư tế và mà nói: Tôi nộp ông ấy cho quý vị, quý vị muốn cho tôi bao nhiêu? Họ cho Giuđa ba chục đồng bạc” (Mt 26, 14-15).
Giá phản bội Chúa chẳng cân xứng với giá trị thật chút nào. Anh đâu cần phải bán Chúa mới có được nhúm tiền mà anh có quyền tiêu pha bất cứ lúc nào trong quỹ chung?
Giá như anh đừng quá chăm chút cho riêng mình. Giá như anh cũng hào phóng như người phụ nữ tội lỗi đã làm với Thầy Giêsu. Giá như anh đừng để mình rơi vào khoảng tối điêu linh, huyễn hoặc của lòng đam mê tiền của. Thật buồn là sau tất cả vẫn phải nói: “Giá như…”
Thứ ba, Tin Mừng mô tả anh đã đánh mất niềm hy vọng vào tình thương xót hải hà của Thiên Chúa. Tội ác vừa phạm xong, anh đã cảm thấy chán chường. Tôi đã mừng hụt khi đọc đến đoạn mô tả anh hối hận.
Thế nhưng, chán chường tội lỗi không đủ, đó là bước tiến trên đường đạo đức nhưng chưa hẳn là đạo đức, phải ăn năn thống hối nữa. Có thể anh không hối hận vì Chúa mà là vì mình. Như vậy là giận ghét mình, mà sự giận ghét mình dẫn đến tự vẫn, vì ghét mình tức là giết mình; chỉ khi sự ghét mình kết hợp với lòng mến Chúa mới đáng được cứu rỗi.
Các bản văn Tin Mừng đề cập việc anh thức tỉnh. Thay vì xử sự như Phêrô, cách làm của anh thật tệ hại: Anh đã chọn cho mình sợi dây thừng và tự xử. Tôi không dám mường tượng hình ảnh hãi hùng lúc đó. Chỉ biết là anh đã để lỡ cơ hội.
Anh nên hiểu rằng: trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa, cho dù chậm chạp hay té ngã nhiều đến đâu nữa nhưng nếu biết trỗi dậy thì Người vẫn luôn rộng lòng thứ tha.
Hỡi Giuđa, chàng trai trẻ xứ sở phương Nam!
Đêm nay, tôi viết thư cho anh. Một đêm mưa nhiều nên lối vắng âm u, mây giăng kín trên vòm trời. Không biết giữa khoảng trời này, đêm có còn nhớ đến kẻ tội đồ năm xưa?
Riêng tôi, nhớ về anh, lòng lại thêm phiền não, ủ dột, âu sầu. Những biến cố của cuộc đời không lường kịp, mà phận người thì quá đỗi mỏng manh đã cuốn anh vào thiên thu.
Như sợi chỉ thanh mảnh cố níu kéo những ký ức đang chìm sâu vào nấm mồ tuổi trẻ, thư tôi viết cho anh không mong chờ dòng hồi âm ngắn ngủi.
Dẫu sao, tôi – một đồng hữu đang bước theo Thầy Giêsu – luôn cầu mong số phận sẽ đổi khác với anh, chí ít là trong tích tắc cực ngắn nào đó trên cành cây lơ lửng, Thiên Chúa dủ tình với anh như đã dủ tình với người trộm lành năm xưa. Lúc ấy, tôi có thể nhìn thấy anh rạng rỡ hơn, đúng không?
Mến chào anh trong Thầy Giêsu!

--- Lm. Hạ Trân ---
(Bài viết trích trong sách "Lời hứa ghép tim" - NXB. Tôn Giáo, 2021)

Đăng nhận xét

0 Nhận xét